Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao

472

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang đã điểm lại những kết quả nổi bật năm học 2019 – 2020 và khẳng định: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố, ngành Giáo dục Hà Nội đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng.

Toàn ngành có hơn 2.700 trường học với hơn 2 triệu học sinh. Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành vẫn bảo đảm tiến độ và duy trì vững chắc chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu

UBND TP

Năm 2019, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu 21 trường, đạt 121% kế hoạch giao. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt 71,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 – 2020 là có từ 65 đến 70% số trường công lập đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên với gần 117.000 người tiếp tục được nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục.

Theo tổng hợp số liệu từ các quận, huyện, thị xã, tính đến tháng 9/2020, TP có 2.792 trường mầm non, phổ thông và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, với 62.223 nhóm lớp, 2.111.600 học sinh. Tăng 44 trường so với cùng kỳ năm trước.

Căn cứ chỉ thị số 666/CT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ giải pháp năm học 2020 – 2021 của ngành Giáo dục và thực tiễn về tình hình công tác giáo dục và đào tạo Thủ đô, ngành GD&ĐT Hà Nội xác định phương hướng của năm học mới là: Tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục tăng cường kỷ cương, nề nếp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm công dân đối với xã hội cho học sinh. Để đạt mục tiêu này, toàn ngành đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu; 7 nhóm giải pháp cơ bản.

Báo cáo tham luận của các đơn vị, trường học tại hội nghị đã làm rõ thêm những kết quả về quy mô và chất lượng giáo dục của toàn thành phố, đồng thời thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 – 2021.

Ghi nhận, biểu dương những thành tích của ngành Giáo dục Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, ngành Giáo dục Thủ đô vẫn còn một số tồn tại như một số trường ở khu vực đông dân cư quá tải, một số trường còn nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn…

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, UBND TP đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nội dung, trong đó có việc phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Sở GD&ĐT Hà Nội cần tiếp tục quan tâm, xây dựng bảo đảm đủ trường, lớp kể cả ở các khu đô thị mới; Rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, toàn ngành cần quan tâm triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trong trường học; Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa, đón học sinh bằng xe ô tô; Tăng cường công tác kết nối giữa nhà trường và gia đình, kiên quyết không để xảy ra tình trạng mất an toàn cho học sinh.

Năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục Hà Nội cần tiếp tục chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi song song với việc nâng cao chất lượng đại trà; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường thanh kiểm tra, nâng cao vai trò giám sát của Thanh tra nhân dân, Công đoàn; Kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm về công tác quản lý điều hành, thu chi tài chính, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Nguồn: tuoitrethudo.com.vn