Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, nhiều trường cao đẳng trên địa bàn TP HCM phấn khởi khi số lượng học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 đăng ký vào chương trình cao đẳng hệ 9+ càng tăng.
Bỏ học THPT tìm “đường tắt” học nghề
Cách đây gần 2 năm, cậu học sinh Trịnh Ngô Đức (Quận 1, TPHCM) thi lớp 10 công lập nhưng lại không lọt vào được đúng nguyện vọng 1: Trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích.
Đắn đo trước nguyện vọng 2 là vào học ở một trường THPT khác, em Trịnh Ngô Đức đã quyết định rẽ nhánh theo học trường nghề.
Suốt thời gian qua, dù nhà ở tận Quận 1, nhưng Trịnh Ngôc Đức vẫn chuyên cần vượt hơn chục cây số để đến trường CĐ Quốc tế TPHCM ở quận Bình Thân theo học chương trình đào tạo cao đẳng 9+.
Bước sang năm thứ 2, chàng trai trẻ này trở thành học viên chuyên ngành Chế biến món ăn thuộc Khoa Kinh tế Du lịch. Đặc biệt, Trịnh Ngô Đức thấy hài lòng với hành trình này.
Tác động của phụ huynh
“Mẹ em cũng là người có ảnh hướng chính đến quyết định chọn học nghề của mình. Mẹ và em tìm hiểu kỹ thì thấy trường này có chương trình vừa học song song văn hoá, vừa có thể học nghề chỉ mất khoảng 2,5-3 năm là có thể vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT…” – Trịnh Ngô Đức kể.
Đến thời điểm này, chàng trai trẻ đã cảm thấy quyết định chọn học nghề với mình là hoàn toàn xứng đáng. Thời gian qua, các thầy cô ở phòng đào tạo sắp xếp lịch học khá phù hợp, 7 môn văn hoá học xen lẫn với những buổi học nghề nên học sinh không bị áp lực.
Sau khi học xong, Trịnh Ngô Đức kỳ vọng sẽ tìm việc làm ngay đúng với ngành mà em đang theo đuổi.
Chàng trai 17 tuổi này bộc bạch: “Mỗi hướng đi đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Nếu bạn cũ của em bắt đầu vào lớp 11 của trường THPT, sau này tốt nghiệp cấp 3 các bạn sẽ chọn ngành nghề để học lên ĐH. Còn em ngay từ đầu đã định hướng được nghề mà mình sẽ theo, con đường của em có thể tắt hơn và nặng hơn nhưng em cảm thấy phù hợp với năng lực của mình”.
Nhiều học sinh ở TPHCM chọn được đam mê nghề nghiệp từ sớm và hài lòng với chương trình vừa học văn hoá THPT vừa học nghề
Tương tự, Đoàn Ngọc Khải, cũng đang theo học ngành Thiết kế đồ hoạ của chương trình cao đẳng hệ 9+ bước vào năm thứ 2 sau khi hoàn tất xong lớp 9. Không bàn đến học phí, chàng trai này tin chắc sau khi hoàn thành chương trình mình hoàn toàn có thể đảm bảo có kiến thức nghề vững chắc.
Đoàn Ngọc Khải dự định, học hết cao đẳng thì sẽ tiếp tục học liên thông ngành này ở một trường ĐH uy tín trên địa bàn. Lúc học xong quá trình đó, Khải có thể đi làm bình thường như bất cứ sinh viên học đại học khác.
“Đèn xanh” cho phân luồng sau THCS
Trao đổi với PV Dân trí, thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng trường CĐ Quốc tế TPHCM – cho biết: “Áp dụng chương trình đào tạo 9+ hệ cao đẳng (gồm đào tạo 7 môn văn hoá phổ thông) được 2 năm, chúng tôi thấy khá thành công khi số học sinh đăng ký tăng mỗi năm nên năm nay tiếp tục triển khai năm thứ 3”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, nhiều trường cao đẳng đang triển khai chương trình 9+ này với 2 hình thức, trong đó gồm học 4 môn văn hoá hoặc 7 môn văn hoá THPT.
“Trường tôi áp dụng dạy 7 môn văn hoá và kèm dạy cao đẳng nghề. Điều quan trọng là chương trình đã truyền được lòng yêu nghề cho học sinh ngay khi các em bước vào học chương trình lớp 10, 11. Đáng mừng là phụ huynh đánh giá rất cao chương trình và giới thiệu thêm học trò cho nhà trường”, thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý nói thêm.
Cùng bàn về vấn đề này, tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn cũng nhìn nhận đào tạo hệ 9+ là một thế mạnh của các trường cao đẳng trong công tác tuyển sinh năm nay.
Dẫn chứng chính là dù mới bắt đầu triển khai mô hình đào tạo kép 9+ nhưng trường nhận thấy nhiều hiệu ứng tích cực từ phía học sinh, phụ huynh, đồng thời doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá rất cao.
Học sinh học nghề tại trường CĐ Viễn Đông
“Năm 2020, trường dành 300 chỉ tiêu cho hệ Cao đẳng 9+ dưới hình thức xét tuyển học bạ THCS. Hiện tại đã có 150 thí sinh nhập học trong đợt 1 như vậy sẽ chỉ còn 150 chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ này trong đợt 2”, ông Phúc chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cũng cho rằng hiện nay việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là một hướng đi đúng đắn.
Cần định hướng rõ cho học sinh thấy tầm quan trọng và lợi ích của học nghề cho sự phát triển của xã hội và cơ hội tìm kiếm việc làm của bản thân, trên cơ sở đó giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang là gánh nặng cho xã hội hiện tại.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải cho biết, với định hướng đó năm 2019 nhà trường đã triển khai chương trình đào tạo 9+ vừa dạy nghề vừa dạy nghề vừa dạy kiến thức văn hoá THPT cho học sinh bậc THCS. Ngoài dạy theo chương trình cao đẳng, trường đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên quận 12 để đào tạo văn hoá cho học sinh.
Thay đổi nhận thức
Năm đầu tiên tuyển sinh, trường đã tuyển được gần 480 học sinh theo học. Thạc sĩ Trần Thanh Hải cho rằng, điều đó chính là minh chứng rõ có sự thay đổi trong nhận thức của người học khi chọn hướng nghề.
Nhiều chuyên gia giáo dục nghề nghiệp nhìn nhận chương trình đào tạo cao đẳng hệ 9+ hiện có các thế mạnh như: tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được chi phí đào tạo.
Hơn thế nữa chương trình được Nhà nước quan tâm và hỗ trợ học phí theo nghị định 86/2015/NĐ-CP hỗ trợ học phí 4 kỳ học nghề. Kết quả từ việc học sinh, phụ huynh quan tâm ngày càng nhiều là hướng đi đúng mà các trường nghề tiếp tục mở rộng chương trình.
Nguồn: dantri.com.vn