Câu hỏi đặt ra là, có phải quyền năng và lợi ích của người giảng viên chưa được đặt lên cao nhất? Một đại học sẽ suy tàn nếu đội ngũ giảng viên và người học xa lánh mục tiêu học thuật tối thượng.
Đó là những băn khoăn, trăn trở của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát biểu tại buổi lễ nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo Quyết định số 2689/QĐ-BGDĐT ngày 21/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được công nhận giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có phát biểu sâu sắc về giáo dục đại học.
Máy móc, rập khuôn là tiền đề giết chết sự sáng tạo
GS.TS. Nguyễn Văn Minh bày tỏ, hôm nay, tôi đứng đây chỉ vì một mục đích đó là được phụng sự vì một ĐH Sư phạm Hà Nội tiên phong và phát triển, vì sự biết ơn và phục vụ cho những ý tưởng tiến bộ và mong muốn sự đồng hành của các bạn, vì chúng ta có cùng mục tiêu cao cả.
Và chính vậy, hôm nay chúng ta đến đây để nắm chặt tay nhau, hứa với nhau rằng sẽ đồng hành vì một ĐHSP Hà Nội tiên phong và phát triển, hứa với nhau rằng sẽ trân trọng quá khứ và bền chí vì một tương lai tốt đẹp; cùng nhau củng cố niềm tin sắt son để tiếp tục hành động; vì chúng ta nhớ rằng những lời hứa hão huyền và sáo rỗng không còn đủ để tạo dựng niềm tin lâu dài trong sâu thẳm mỗi người.
Hôm nay chúng ta đến đây để cùng nhau đối diện với sự thật thô ráp, những trăn trở thời đại và cả những lời trách móc của xã hội, của phụ huynh, của các trường học, người học và những đòi hỏi về bổn phận của chúng ta đối với đất nước thân yêu.
Hành trình đi lên của Nhà trường chưa bao giờ dễ dàng như ai đó đã từng ảo tưởng, những gì làm được ngày hôm qua, nếu ngày hôm nay lặp lại thì đó là một sự kéo lùi đáng sợ. Hôm nay chúng ta đến đây để tôn vinh tinh thần phụng sự, đẩy lùi tham vọng cá nhân với những gì nhỏ nhen ích kỷ.
Hành trình đi đến tương lai phải trĩu nặng tình yêu thương và lòng tha thứ. Mái trường này sẽ là nơi chỉ có bao dung và tha thứ, chỉ có tình yêu thương và trách nhiệm; ở đây không có chỗ cho cái xấu dung thân. Nơi đây phải là vườn ươm cho tình yêu thương và trách nhiệm và là sa mạc cỗi cằn cho những ý tưởng xấu xa.
Nơi đây phải là nơi dẫn dắt thế hệ. Chúng ta không thể để những thế cán bộ trí tuệ uyên thâm, những người trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết và tiềm năng rơi vào vực sâu của luẩn quẩn; chúng ta không thể để các thế hệ sinh viên, học sinh thông minh căng tràn nhựa sống chỉ trầm tư và nhàm chán mỗi ngày.
“Hãy làm mới chính mình mỗi ngày để có thêm những làn gió mới nâng cánh đời cho thế hệ tương lai. Những cách làm rập khuôn, máy móc chẳng những làm xơ cứng nếp nghĩ bao người mà đó là tiền đề giết chết sự sáng tạo” – GS Minh nhấn mạnh.
Nơi đây phải là môi trường nâng bước cho những gì tươi mới, những gì nhen nhóm ban đầu cho tốt đẹp mai sau. Nơi đây không có sự sợ hãi đối với những người chân chính, thay vào đó là sự tôn trọng và gần gũi; thay vào đó là tiếng nói của mỗi người được lắng nghe và họ có quyền đưa ra chính kiến của mình để cùng nhau đi đến chân lý.
Trả lại giá trị chân chính của đại học
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, một môi trường học thuật mà thiếu sự phản biện, luôn tuân thủ và phục tùng thì sẽ không thể có sáng tạo. Khi một môi trường học thuật mà nhiều người đam mê quyền lực không phải vì sự tôn vinh, vì phụng sự mà vì những điều khác thì đó là điều đáng ngại, là đi ngược lại với tinh thần đại học.
Câu hỏi đặt ra là, có phải quyền năng và lợi ích của người giảng viên chưa được đặt lên cao nhất? Một đại học sẽ suy tàn nếu đội ngũ giảng viên và người học xa lánh mục tiêu học thuật tối thượng.
Tôi mong muốn làm tất cả để trả lại giá trị chân chính của đại học. Nghĩa vụ của chúng ta là dẫn dắt hệ thống và tạo ra tác động tích cực đối với xã hội để cuối cùng phụng sự đất nước tốt hơn.
Bằng này con người, chúng ta không thể làm được tất cả, điều kì vỹ của chúng ta là sinh viên, là học sinh, những thế hệ cấp tiến và dám thay đổi vì tiến bộ, đó là sức mạnh và động lực vô cùng to lớn.
Chúng ta không thể vì không gian chật hẹp mà phong tỏa ý tưởng khoáng đạt của mỗi người; chúng ta không thể để khát khao tìm tòi cái mới phải bị trói buộc bới những qui định hành chính thông thường.
Trách nhiệm của người đứng đầu là thường xuyên tìm ra cách làm mới, tiến bộ để không gian tự do của cán bộ, sinh viên, học sinh được mở rộng đến vô cùng.
Đại học là không gian nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo và dành cho những người sáng tạo. Hơn nữa, đây là một đại học sư phạm lớn, chúng ta có một nghĩa vụ cao cả, đó là tạo ra những giải pháp hữu ích nhất để tạo động lực cho phát triển giáo dục đất nước.
Chính vì vậy, mọi hoạt động của Nhà trường phải hội tụ về cùng mục đích. Những nhen nhóm ý định phân kỳ là ngược dòng của thác lũ. Chúng ta không thể bình chân để nhìn thời cuộc.
GS.TS Nguyễn Văn Minh: “Thiêng liêng nhất của đại học là tinh thần và trí tuệ”.
Muốn đến với bình minh ắt phải qua đêm tối
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, tác động và sự thay đổi đang diễn ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta không thể đứng bên lề của dòng chảy để nhìn thời cuộc. Có còn không những thuật ngữ nghe đã quen như “cách mạng 4.0”, “công nghệ số” vẫn đang còn lạ lẫm với bao người?
Chúng ta không thể ngồi chờ vận hội; thuần túy tác động của ngoại cảnh chỉ tạo ra sự bị động, thuần túy vì những khó khăn mà buông lơi chỉ tạo ra sự thất vọng; hành trình đi đến văn minh và tiến bộ luôn phải trả giá.
Muốn đến với bình minh ắt phải qua đêm tối, lẽ thường tình sao ta cứ băn khoăn? Khó khăn và trở lực luôn hiện diện trước mặt chúng ta. Khi một nền sản xuất chưa tiến bộ, khi một đất nước chưa giàu có thì có kêu ca chăng nữa cũng chỉ là lời ai oán với chính mình.
Tất cả chúng ta đã qua thời nông nổi, bổn phận của chúng ta là đi tìm lời đáp cho những băn khoăn mà cuộc sống đặt ra. Bàn tay chai sạn của bao người thợ, lưng áo đầm đìa của bác nông dân, những con người vì mảnh đất thiêng đã hòa vào trong đất, và gửi mình nơi biển ca bao la, những trầm tích đó phải chảy sâu trong huyết quản mỗi con người, khi thiếu đi cội nguồn thì con người lạc lỏng và bơ vơ chẳng biết về đâu.
Thế giới này, cuộc đời này không phải của riêng ai, người ta hơn nhau khi biết tìm ra và nắm bắt qui luật để phục vụ cho mục tiêu tốt đẹp.
Phải giáo dục để mỗi sinh viên, học sinh nhận thấy rằng, nếu không vươn lên để nắm lấy tri thức thì không thể có sáng tạo, và hệ quả tất yếu sẽ trở thành những người thợ gia công tay nghề non kém, sâu xa hơn là đất nước sẽ khó thoát khỏi cảnh nước nghèo.
Nghĩa vụ của chúng ta là giúp họ tìm ra con đường để đi tiếp, chỉ cho họ những trở ngại trên đường đời, hình thành cho họ bản lĩnh vững vàng và xây cho họ niềm tin cao cả.
Tôi cũng nhớ lại những tháng năm tôi được làm việc ở một số đại học ở các nước. Ở đó, đại học là một xã hội thu nhỏ với những gì tinh túy nhất và đó là cái nôi để sinh ra những điều mới mẻ.
Thiêng liêng nhất của đại học là tinh thần và trí tuệ. Không gian và điều kiện của họ đến bây giờ vẫn mơ ước trong tôi, khi nào cơ ngơi của mình được như thế?
Câu hỏi cứ đau đáu trong tôi, là tại sao ngày nay chúng ta thiếu các nhà văn hóa, các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn cả trong nước và ra cả bên ngoài? Hay chăng, giáo dục còn có những nút thắt? Trọng trách vinh quang của chúng ta là đi tìm lời đáp.
Đừng vội vàng phê phán những ý tưởng dường như bị “điên rồ”
GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, tôi dạy về vật lý. Hằng năm, khi lên lớp, tôi hỏi học viên giải thưởng Nobel năm này thuộc về lĩnh vực nào. Rất nhiều học viên ngơ ngác. Thông tin thì nhan nhản trên mạng, nhưng họ quan tâm những điều rất khác. Hay chăng, chúng ta chưa định hình cho họ về những hoài bão lớn lao, để rồi họ an phận và nghĩ về những điều tủn mủn, để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
Chúng ta đã đề cao tinh thần xảt hân vì nghĩa lớn. Ngày nay, chúng ta nói nhiều về cá nhân; đâu đó sao nhãng đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, và rồi sự ích kỷ có đất để trỗi dậy; sự toan tính cá nhân cao hơn lợi ích người khác.
Chúng ta đừng hướng sinh viên, học sinh, học và làm theo một thói quen định sẵn, đừng vội vàng phê phán những ý tưởng dường như bị “điên rồ” của họ, cái khác lạ có khi là điều chúng ta chưa biết, hãy khuyến khích họ nếu bắt đầu từ mục tiêu tốt đẹp.
Phải xây dựng để mái trường này là nơi thúc đẩy cho những ý tưởng mới tốt đẹp, phá tan những lực cản kéo lùi.
Chúng ta chưa đặt sự tử tế lên tầng bậc cao sang của giá trị
GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, giáo dục để tạo ra những con người bản lĩnh trước mọi biến cố của thiên nhiên và cuộc sống. Covid-19 cho chúng ta nhiều bài học đắt giá, nhưng ở đó sự tử tế lại được lên ngôi.
Chúng ta có quá nhiều việc, chúng ta có quá nhiều tri thức mà thời đại đang cần, nên có khi sao nhãng lưu tâm sự tử tế cho sinh viên, học sinh; chúng ta chưa đặt sự tử tế lên tầng bậc cao sang của giá trị; để hệ lụy là sự thờ ơ, vô cảm, là quan hệ giữa người và người trở nên xa ngái, nghi ngờ; rồi đau hơn, có khi người ta lợi dụng lòng tốt của nhau; ẩn chưa đằng sau vỏ bọc tử tế là mưu đồ kể cả thấp hèn.
Những bài học đời thường phải được khắc sâu hơn vạn lần sách vở, Trung sỹ Dương Văn Nam vì nhường bình dưỡng khí cho nạn nhân, anh suýt mất mạng trước khi được đồng đội cứu trong trận hỏa hoạn ở Thanh Hóa; rồi em Ngô Minh Hiếu âm thầm cõng bạn 10 năm đến trường… Mỗi thầy cô hãy dành thời gian sẻ chia với sinh viên, học sinh và hơn hết là hành động tử tế để cuộc sống này được tốt đẹp hơn.
Có rất nhiều mảng việc đặt ra và đòi hỏi chúng ta, vinh quang đấy nhưng không ít gian nan và yêu cầu bền lòng, bền chí. Chúng ta có quá nhiều việc phải làm, nhưng trong một chỉnh thể, vả lại có không ít thách thức, phải chọn ra những việc thiết yếu cho từng giai đoạn để làm.
Nguồn: dantri.com.vn