442

Kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương đang phản ánh đầy đủ bức tranh dạy và học hiện nay của nhiều trường Trung học cơ sở.

Trong tất cả các kỳ thi chuyển cấp của học sinh hiện nay, có lẽ kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương là phản ánh trung thực nhất về chất lượng giáo dục.

Bên cạnh một số trường ở những khu vực thị thành, và một số nơi được xem là “đất học” ra thì phần nhiều các trường trung học phổ thông chỉ lấy điểm đầu vào ở mức điểm dưới trung bình, trong đó, có cả những lớp chuyên.

Không chỉ các trường thuộc khu vực miền núi, vùng khó khăn mà nhiều trường đồng bằng cũng chỉ lấy điểm chuẩn lớp 10 ở mức trên dưới 2 điểm/môn là đậu.

Thậm chí, số trường lấy điểm chuẩn chỉ trên dưới 1 điểm/môn cũng không phải là hiếm. Dù nhìn vào điểm chuẩn của các trường này có nhiều người thất vọng, nhưng đó là sự thật tồn tại nhiều năm qua mà ít người để ý.

Kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương đang phản ánh đầy đủ bức tranh dạy và học hiện nay của nhiều trường trung học cơ sở.

Có điều, chỉ cách trước đó 1-2 tuần thì tất cả các thí sinh này đều được thầy cô tổng kết từ điểm trung bình trở lên, trong đó có nhiều em xếp loại học lực khá, giỏi!

Chất lượng giáo dục được phản ánh rõ nét qua kỳ thi tuyển sinh 10

Sau khi các địa phương công bố điểm thi, điểm chuẩn tuyển sinh 10 thì điều mà dư luận bất ngờ là có quá nhiều địa phương, trường học có điểm thi tuyển quá thấp.

Tại Ninh Thuận, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh này có tới 3.058 bài thi môn Toán có điểm dưới 5, chiếm tỷ lệ 51,8%; 2.773 bài thi môn Ngữ văn có điểm dưới 5, chiếm tỷ lệ 46,89%.

Đặc biệt, môn Tiếng Anh có tới 5.004 bài thi điểm dưới 5, chiếm tỷ lệ 84,6%. 

Với kết quả có nhiều thí sinh dưới điểm trung bình như vậy nhưng đây là những trường có điều kiện mới tổ chức thi tuyển, nhiều trường khó khăn ở Ninh Thuận tổ chức hình thức xét tuyển thì học lực của học sinh còn có thể thấp hơn.

Trong khi, đề thi tuyển sinh 10 ở tỉnh này được các chuyên viên, giáo viên của tỉnh đánh giá là phù hợp, bám sát chương trình, nếu học sinh có học lực “trung bình thật” sẽ đạt được trên 5 điểm một cách dễ dàng.

Nhiều trường học ở Thanh Hóa được báo chí phản ánh mấy ngày qua chỉ lấy ở mức trên dưới 1,0 điểm/ môn cũng vào lớp 10 như Trung học phổ thông Nga Sơn lấy 6,70 điểm;

Trung học phổ thông Thường Xuân 2 lấy 6,60; Trung học phổ thông Ba Đình lấy 6,30; Trung học phổ thông Lê Lai lấy 5,0 điểm; Trung học phổ thông Thường Xuân 3 lấy 4,60 điểm; Trung học phổ thông Lang Cháng lấy 2,90 điểm.

Một số trường học ở Khánh Hòa cũng lấy điểm chuẩn chỉ từ 5 – 8,25 điểm.

Chẳng hạn, trường Trung học phổ thông Tôn Đức Thắng lấy 5,0 điểm, Trung học phổ thông Lê Hồng Phong lấy 5,5 điểm…

Trong khi, các tỉnh thực hiện cách tính điểm hai môn Văn, Toán được nhân hệ số 2, cộng với điểm bài thi Tiếng Anh và điểm ưu tiên (nếu có).

Như vậy, đối với trường có điểm chuẩn chỉ 5 điểm thì những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên cũng chỉ cần làm mỗi bài thi được 1,0 điểm là vẫn đủ điểm trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có những trường chỉ lấy mức trên 2-5- 3,0 điểm/môn là trúng tuyển.

Một số tỉnh thì thấy điểm chuẩn rất cao nhưng, đa phần trên dưới 30 điểm mới trúng tuyển nhưng thực chất đó lại là những địa phương xét học bạ.

Cách tính điểm của những địa phương này là lấy điểm tổng kết 7 kỳ (từ lớp 6 đến hết học kỳ I của lớp 9) cộng lại rồi chia cho 7 thành ra điểm nhìn rất đẹp bởi điểm tổng kết năm học thường được các nhà trường Trung học cơ sở cho rất cao.

Đề thi không khó nhưng sao điểm chuẩn nhiều trường lại thấp?

Theo dõi kỳ thi tuyển sinh 10 thì chúng ta thấy sau mỗi buổi thi, những học sinh được phóng viên phỏng vấn đều cho rằng đề thi vừa sức, các chuyên viên, giáo viên đều cho rằng đề thi phù hợp, không đánh đố học trò.

Và, thực tế thì đề thi tuyển sinh 10 ở bất kỳ địa phương nào cũng phải hướng tới việc thí sinh phải đạt được điểm trung bình, đảm bảo được tính cân đối giữa học sinh thành thị và vùng khó khăn.

Nhưng, có một nghịch lý đã và đang tồn tại trong ngành Giáo dục mà ai cũng thấy là điểm học trên lớp luôn cao ngất ngưởng, nhiều lớp học được giáo viên tổng kết lên đến hơn nửa lớp loại khá, giỏi.

Tuy nhiên, chỉ sau một kỳ thi chuyển cấp thì kết quả lại rơi xuống thê thảm, nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng không thể đạt được điểm trung bình (5 điểm/môn) trong kỳ thi chuyển cấp.

Có lẽ những thông tin như kỳ thi tuyển sinh 10 ở Ninh Thuận có tới 84,6% thí sinh bị điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, hay những trường chỉ lấy điểm chuẩn ở mức trên dưới 1,0 điểm/môn là vào lớp 10 công lập đang là nỗi trăn trở chung của mọi người.

Nhưng, nó đã và đang phản ánh một cách chân thật nhất về thực trạng dạy và học ở một số địa phương, một số trường Trung học cơ sở hiện nay.

Nguồn: giaoduc.net.vn