Hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp

500

Theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) “Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS” (chương trình 9+)

Học sinh hệ 9+ cao đẳng Trường Cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh trong giờ học thực hành.

Chương trình 9+ đáp ứng nhu cầu người học

Thực tế, chương trình 9+ được các chuyên gia đánh giá đáp ứng một lượng lớn người học có nhu cầu học nghề để tham gia sản xuất, chứ không có nhu cầu theo hướng học hàn lâm (thời gian ba năm riêng biệt chỉ học văn hóa THPT). Mô hình này mang tính mở cao trong hệ thống giáo dục. Người học có thể học tiếp để lấy bằng cấp cao hơn nếu có nhu cầu. Trước đây, chỉ có hệ trung cấp mới tuyển học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề. Nay việc mở rộng lên hệ cao đẳng cho thấy việc phân luồng và định hướng học nghề ngày càng rõ rệt.

Thầy Nguyễn Xuân Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết, hiện nhà trường đang đào tạo khoảng hơn 1.600 học sinh (HS) hệ 9+, vừa học song song kiến thức THPT vừa học 21 ngành, nghề. Trong đó, một số nghề được nhiều HS theo học nhằm đón đầu nhu cầu của thị trường lao động như: Công nghệ thông tin, điện tử – điện lạnh, điện công nghiệp, công nghệ ô-tô, cơ khí, cắt gọt kim loại…

“HS chương trình 9+ tốt nghiệp ra trường có tỷ lệ đi làm khoảng 70 – 80%, còn lại 20 – 30% các em có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng với thời gian học khoảng 15 tháng là có bằng cao đẳng. Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích cho người học, bởi học phí thấp cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, nên vấn đề học phí không còn là gánh nặng với gia đình HS. 18 tuổi tốt nghiệp ra trường các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, ưu việt hơn so với lựa chọn học xong THPT rồi mới học nghề”, thầy Thủy cho biết.

HS Hồ Thu Hương, khóa 59 lớp Tin học văn phòng I chia sẻ: “Sau khi học hết lớp 9 em quyết định đi học nghề tin học văn phòng vì thấy phù hợp khả năng bản thân và em thấy thị trường lao động đang rất cần nghề này. Qua thời gian học tập, em nhận thấy chương trình học văn hóa không khác chương trình học phổ thông, thậm chí còn thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì không bị áp lực nhiều bài vở như các bạn cùng trang lứa theo học THPT. Về học nghề, các thầy, cô dạy rất dễ hiểu, kiến thức và kỹ thuật không quá khó, chương trình học cũng vừa sức”.

Theo số liệu báo cáo của Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tính đến cuối năm 2019, trên cả nước có 1.914 cơ sở GDNN trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.053 trung tâm GDNN/GDTX. Trong đó, có 244/399 trường cao đẳng và 437/458 trường trung cấp có thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS. Trung bình mỗi năm có khoảng 5,3 triệu HS học THCS và hơn 1,3 triệu HS học xong THCS, trong đó có khoảng 5% học sinh không tham gia thi tốt nghiệp hoặc thi không đỗ tốt nghiệp THCS.

Tổng hợp báo cáo của 63 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cho thấy, kết quả tuyển sinh đối tượng THCS vào học trung cấp (TC) khoảng 195.173 học sinh. Có thể thấy, công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vào học TC trong năm 2019 đã tăng đột biến, lên khoảng 15% (giai đoạn 2011 – 2015, HS tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (trung cấp nghề và TCCN) chiếm khoảng 8% tổng số HS tốt nghiệp THCS).

Từ kết quả thống kê sơ bộ cho thấy tình hình tuyển sinh đối tượng HS tốt nghiệp THCS tại nhiều cơ sở GDNN trong năm 2020 có nhiều dấu hiệu tốt. Những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung ở các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô-tô, Quản trị mạng, Thiết kế trang web, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng…;

Giáo dục nghề nghiệp cần mở và linh hoạt

Bà Phạm Ngọc Anh, chuyên gia cao cấp của Chương trình đổi mới GDNN Việt Nam (GIZ) cho rằng: “GDNN mở và linh hoạt, liên thông là cách tiếp cận và cũng là giải pháp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng hiện nay. Tuy nhiên, nhận thức trong xã hội về vấn đề này đang còn nhiều khác biệt, vấn đề chính sách, phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn nhiều lỗ hổng. Chính vì thế, chúng ta cần phải tích cực phối hợp, đồng hành để tham vấn, xây dựng những chính sách phù hợp giúp GDNN đạt được các tiêu chí mở, linh hoạt, đến được với mọi thành phần trong xã hội”.

Phó Tổng cục trưởng GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, hiện nay nhiều trường cao đẳng tuyển HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, đồng thời giảng dạy thêm chương trình văn hóa THPT để học sinh có thể học liên thông lên trình độ cao đẳng (CĐ) như: CĐ Công nghiệp Huế, CĐ Công nghiệp Phúc Yên, CĐ cơ giới Ninh Bình, CĐ Giao thông vận tải T.Ư 1, CĐ Cơ điện Hà Nội… Đã có khoảng hơn 195.000 học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành GDNN đang hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra. Năm nay, tuyển sinh đầu vào các cơ sở GDNN có sự tăng đột biến số lượng học sinh tốt nghiệp THCS. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Ông Phạm Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Đào tạo chính quy Tổng cục GDNN cho biết, vụ đã ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật để các trường tiến hành đào tạo, tuyển sinh và giải quyết việc làm trong những năm qua, tạo thành một hệ thống đồng bộ. Mặt khác, chúng tôi đang ngày càng hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ các trường thu hút học sinh tham gia GDNN”.

Nguồn: nhandan.com.vn