Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương chiều 2-8 bàn giải pháp phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo về phương án thi tốt nghiệp THPT, đề xuất chia kỳ thi làm 2 đợt.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019
Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) thì tổ chức thi vào đợt 2 sau đó. Điều này theo ông Nhạ là để “đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh”.
Với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam. Bộ có chỉ đạo các trường xét vào đại học đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học.
Tôi và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thảo luận qua nhiều cuộc điện thoại nhưng ý kiến còn khác nhau. Chỉ một số địa phương có dịch mà dừng cả kỳ thi thì có đúng không? Đề nghị các đồng chí cho ý kiến để đưa vào nghị quyết Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Hoàn tất công tác chuẩn bị
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, đề thi đã gửi về các địa phương in sao. Mục tiêu là tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi.
Bộ GD-ĐT đã họp với các địa phương, hầu hết các địa phương đồng ý với phương án thi chung. Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh. Trong đó, Quảng Nam đề xuất đến ngày 6-8, tình hình dịch bệnh không biến động thì tiếp tục tổ chức kỳ thi bình thường, nhưng nếu diễn biến dịch phức tạp hơn thì hoãn kỳ thi lại một tháng, còn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu thì được đặc cách tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chung – chủ tịch UBND TP Hà Nội – bày tỏ đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Nhạ. Theo ông Chung, Hà Nội vẫn tổ chức thi bình thường nhưng đo thân nhiệt thí sinh và thí sinh cũng được sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi. Còn Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Lê Văn Thành xin phép tổ chức thi bình thường theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT cũng như thành phố đã lên.
Chính phủ sẽ thảo luận
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu dự họp cho ý kiến về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng nếu Đà Nẵng hết dịch kịp kỳ thi thứ 2 (theo đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ) thì tốt, còn nếu lúc đó chưa hết dịch thì đề nghị xét theo đề nghị của Đà Nẵng đã gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoạt động tập trung đông người, đồng loạt trên cả nước, nên những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, những thí sinh thuộc diện F1 không thể đến thi được.
“Phải nhìn vào bản chất câu chuyện xét đặc cách tốt nghiệp hay không để bàn, vận dụng luật. Với các cháu không có nguyện vọng vào đại học hoặc đã được trường đại học xét tuyển thì có thể công nhận tốt nghiệp. Nhưng có những cháu muốn vào các trường cần xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp thì phải tính kỹ” – ông Đam nói.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Ngày mai Chính phủ họp phải trình văn bản về việc này vì sai một câu chữ thành câu chuyện cho xã hội tranh luận”.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định của pháp luật.
TP.HCM đã sẵn sàng
Ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết TP.HCM đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, có điều băn khoăn là các em học sinh F1 cách ly tập trung, nếu đi thi thì gặp khó khăn. Vì vậy, ông Đức đề nghị xem xét từ ngày 8 đến 10-8 các em vẫn thuộc diện F1 thì xét đặc cách cho tốt nghiệp.
* TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT):
Chấp nhận được
Việc tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay tôi cho là chấp nhận được chứ không chỉ có hoãn hay hủy kỳ thi như nhiều ý kiến đề xuất. Đà Nẵng và Quảng Nam là hai vùng dịch đã được khoanh vùng sẽ thi sau. Đề thi đã được chuẩn hóa, phần lớn thi trắc nghiệm nên có thể đảm bảo tính công bằng, không lo về sự chênh lệch khó – dễ về đề thi giữa hai đợt.
Kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn để xét đại học. Trong bối cảnh việc chấm điểm, đánh giá ở bậc phổ thông chúng ta chưa kiểm soát được, không ít thầy cô thương học trò nên cho điểm chưa phản ánh đúng năng lực học sinh. Do đó, nếu hủy kỳ thi, các trường đại học xét học bạ sẽ là sự mất công bằng rất lớn trong xã hội.
Trong trường hợp bất khả kháng, đến ngày thi đợt 2 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, chúng ta phải chấp nhận thực tế xét tốt nghiệp cho học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam và đó cũng chỉ là số ít so với việc hủy hoàn toàn kỳ thi.
Dĩ nhiên thi, tính an toàn và công bằng phải được đặt lên hàng đầu. Bộ cần có các giải pháp để đảm bảo điều này, chẳng hạn như thực hiện khoảng cách tối thiểu giữa các thí sinh, điều thêm người tham gia coi thi, thanh tra, tăng cường khử khuẩn khu vực thi, thí sinh, vệ sinh ăn uống… Bộ cũng có các kịch bản phòng ngừa, xử lý tình huống trong trường hợp có những phát sinh liên quan đến dịch trong khi kỳ thi đang diễn ra.
* PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Chú ý giải pháp phòng ngừa
Thực tế việc lo lắng cho sức khỏe của thí sinh khi tổ chức kỳ thi trong thời điểm dịch đang có nhiều diễn biến phức tạp cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các em học sinh đã chuẩn bị cho kỳ thi này từ lâu nên tôi cho rằng ở những vùng nguy cơ chưa cao, bình thường vẫn tiến hành thi bình thường. Cần chú ý các biện pháp phòng ngừa, tăng cường an toàn cả từ phía ngành giáo dục cũng như mỗi cá nhân tham gia kỳ thi. Tại mỗi điểm thi cần bố trí người đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…
Với những vùng dịch như Đà Nẵng hay Quảng Nam, việc tổ chức thi đợt 2 cũng là phương án khả dĩ, chấp nhận được trong lúc này để đảm bảo an toàn cho những người tham gia kỳ thi. Với học sinh, kỳ thi này rất quan trọng nhưng sự an toàn càng phải được chú ý hơn.
* TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần quyết định sớm để kịp chuẩn bị
Đến thời điểm này, đề thi đã được chuyển cho các địa phương, luật quy định phải thi nhưng tôi cho rằng đây không phải là lý do để Bộ GD-ĐT quyết vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Trong trường hợp xấu nhất, kỳ thi vẫn có thể bị hoãn, hủy.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân, đứng ở góc độ của mình sẽ khó có đầy đủ thông tin, đánh giá đầy đủ tình hình để nhận định nên tổ chức thi, hoãn hay hủy. Tôi cho rằng bộ có đầy đủ thông tin và các đánh giá cần thiết, có căn cứ nhận thấy có thể đảm bảo an toàn mới quyết định tổ chức thi trong bối cảnh có nhiều ý kiến trái chiều.
Hiện nay không ít giảng viên được phân công thanh tra thi tỏ ra lo ngại khi phải làm nhiệm vụ. Thí sinh, phụ huynh cũng trong tình trạng này. Tôi cho rằng đây là lo lắng chính đáng bởi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Tuy đa số các địa phương chưa phải là vùng dịch nhưng tính an toàn của kỳ thi, bao gồm của thí sinh, người coi thi, thanh tra… phải được đặt lên hàng đầu. Các biện pháp cần thiết phải thực hiện như sát khuẩn khu vực thi, người vào khu vực trường thi, đeo khẩu trang…
Một điều quan trọng nữa là phải thực hiện tốt khoảng cách giữa các thí sinh trong phòng thi. Một phòng trước đây 26 thí sinh, nếu thực hiện đúng khoảng cách, số thí sinh trong phòng sẽ ít đi, số phòng thi, điểm thi, cán bộ coi thi, giám sát… sẽ tăng lên.
Đề thi có thể đã được in, dồn túi. Nếu thực hiện điều chỉnh khoảng cách thí sinh trong phòng, buộc phải in và dồn túi lại đề thi theo danh sách mới, sắp xếp phòng thi…
Những vấn đề kỹ thuật này tốn khá nhiều thời gian trong khi theo lịch, kỳ thi đã cận kề. Do đó, bộ cần có quyết định sớm ngay trong hôm nay để các địa phương kịp chuẩn bị các khâu kỹ thuật cần thiết, nếu không sẽ không kịp.
Nguồn: tuoitre.vn