Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục các cấp tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Theo đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động.
So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạo điều kiện cho trường nghề dạy văn hóa THPT
(Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp. Điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiều Bộ, Ban ngành liên quan triển khai các biện pháp tập trung giải quyết vấn đề.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút người quản lý doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.
Vào ngày 8/4, Văn phòng Chính phủ đã gửi các Bộ, ngành liên quan thông báo số 76/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã, đang dạy chương trình GDTX cấp THPT vẫn tiếp tục được thực hiện.
Trước đó vào ngày 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, cơ quan có liên quan để xử lý một số vấn đề liên quan tới việc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học viên học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:
Nghị quyết 29 của Trung ương, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản của Đảng, nhà nước luôn nhất quán yêu cầu đổi mới GD&ĐT theo hướng mở, liên thông giữa tất cả các cấp học, hình thức đào tạo, tạo điều kiện để học tập suốt đời. Đồng thời phải đảm bảo chất lượng dạy và học, tiệm cận với khung trình độ quốc tế.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn, vẫn còn những vướng mắc, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan phối hợp thật chặt chẽ trên tinh thần bảo đảm lợi ích người học và tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới để các cơ sở GDNN và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.
Để khắc phục bất cập là nhiều cơ sở tổ chức dạy học nhưng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 thì không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, các trường nghề tiếp tục được dạy chương trình GDTX cấp THPT tại cuộc họp ngày 6/4.
Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN theo kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4, điều 28 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 Điều 33 Luật GDNN 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy GDTX theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: dantri.com.vn