Trong các buổi nói chuyện hay gặp mặt, lúc đã đến mức thân tình để kể về con cái, gia đình, nhiều người hay hỏi: ‘Định cho con du học ở đâu chưa?’. Thường tình như kiểu hỏi học ở trường nào khi con chuẩn bị vào lớp đầu cấp.
Độ tuổi du học ngày càng trẻ
Cho con ra nước ngoài học giờ đây không chỉ là mong ước mà còn trở thành một trong những kế hoạch của hầu hết các bậc phụ huynh ở VN. Và độ tuổi du học ngày càng trẻ. Nếu trước đây chủ yếu đi học nước ngoài từ bậc đại học hoặc sau đại học thì nay là THPT, thậm chí THCS.
Những người sống ở các nước có nhiều du học sinh như Úc, Mỹ, Canada… khi về nước đều có chung nhận định: Người Việt mình bây giờ quan tâm và cho con du học nhiều quá! Xu hướng hiện nay là cho con đi càng sớm càng tốt để dễ hòa nhập. Du học Đài Loan theo chương trình Tân hướng Nam.
Chúng ta có nhiều con số thống kê về số du học sinh VN ở các nước. Như theo trang University World News dẫn kết quả thống kê của Bộ An ninh nội địa Mỹ, tính đến tháng 3.2017 có 30.817 du học sinh VN theo học các cấp trong hệ thống giáo dục của Mỹ, đứng thứ 5 so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, xếp thứ 3 về số học sinh theo học bậc phổ thông. Còn theo báo cáo hằng năm Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) mà Đại sứ quán Mỹ công bố vào tháng 11.2017, số lượng du học sinh VN tại Mỹ tăng năm thứ 16 liên tiếp.
Tương tự, tính đến tháng 3.2017, có 19.708 du học sinh VN tại Úc, chiếm 4,1% tổng số sinh viên quốc tế, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016, nằm trong tốp 5 quốc gia có nhiều du học sinh. Còn theo thống kê của Bộ GD-ĐT VN đến năm 2016, có khoảng 130.000 công dân VN đang học tập tại các quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là ở Nhật Bản, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Anh…
Người trong ngành giáo dục cũng gửi con học nước ngoài
Những con số trên rất đáng quan tâm, nhưng nếu nhìn vào thực tế cuộc sống sẽ còn cảm giác sốt ruột nhiều hơn khi giờ đây cho con du học trở thành một kế hoạch của hầu hết các phụ huynh, là nội dung thường xuyên trong nhiều câu chuyện liên quan đến con cái… Mỗi người lên kế hoạch theo điều kiện của mình, nhưng ai cũng muốn con du học trễ lắm là bậc đại học. Kể cả những phụ huynh từng không muốn cho con du học vì sợ “mất con” thì nay cũng đã thay đổi ý định.
Người có điều kiện về tài chính cho con du học đã đành. Người chưa đủ cũng có kế hoạch tìm học bổng để con được học ngoài nước. Đáng quan tâm hơn, người làm trong ngành giáo dục lại càng mong muốn và lên nhiều kế hoạch du học cho con. Thử đến bất kỳ một trường ĐH nào đó ở VN thống kê xem có bao nhiêu giảng viên, cán bộ quản lý, công nhân viên có con du học? Con số này chắc không ít. Tuy không có số liệu chính thức nhưng đây là thực tế mà nhiều người thừa nhận chứ không hẳn là nhận định võ đoán. Thậm chí khi chưa thể cho con du học vì một lý do nào đó, nhiều người lựa chọn trường quốc tế hay có yếu tố quốc tế ngay tại VN để con thụ hưởng một nền giáo dục tốt, khác với giáo dục quốc dân.
Đây cũng là một trong những yếu tố khiến ngày càng nhiều trường ĐH tư thục VN có xu hướng mở thêm trường phổ thông quốc tế từ bậc mầm non đến THPT, bởi họ đang nhìn thấy nguồn khách hàng rất lớn, một thị trường đầy tiềm năng.
Ai sẽ thay đổi giáo dục VN?
Xu hướng cho con du học, ngày càng sớm hơn, có thể sẽ còn nở rộ nếu giáo dục VN vẫn cứ mãi thế này. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư không sợ lỗ nên cha mẹ nào cũng tập trung nguồn lực của mình vào lĩnh vực này cho con cái. Không thể kêu gọi cha mẹ học sinh đi ngược lại xu hướng khi mà giáo dục trong nước còn nhiều vấn đề.
Vậy ai sẽ là nhân tố thúc đẩy sự thay đổi trong giáo dục? Trước hết là chính những lãnh đạo ngành giáo dục các cấp. Nhưng những người này có thể thay đổi rốt ráo không nếu không có thực tế?
Nếu con cháu những người này hoặc du học hoặc học các trường chất lượng cao, có yếu tố quốc tế… thì làm sao họ có thể thấy và hiểu được những nhọc nhằn mà một học sinh trường công bình thường phải trải qua, để có thể đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn, đổi thay của cuộc sống?
Chính vì vậy mà có những quy định, chính sách nghe thì rất hay nhưng cuối cùng không đi đến đâu, và vì thế sự chuyển biến trong giáo dục là rất chậm.
Cũng giống như tình trạng tắc đường, kẹt xe, ngập nước ở các đô thị lớn. Chỉ cần một tháng chạy xe gắn máy cùng người dân vào những giờ cao điểm, những trưa nắng gay gắt, những chiều mưa mù trời và triều cường lên đỉnh… những người có trách nhiệm chắc hẳn sẽ tìm ra lời giải cho bài toán giao thông đô thị.
Người Việt chi gần 2 tỉ USD/năm cho du học Lời khuyên cho du học sinh khi mất hộ chiếu Du học sinh Việt Nam học cao học tại Mỹ chưa cao?
Trước đây hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập từng mong ước phải xây dựng môi trường học tập để sinh viên có thể “du học ngay trong nước”. Mong ước này giờ cũng chỉ là ước mong và đích đến vẫn còn xa.
Chỉ thấy rằng nhu cầu tìm cách thoát khỏi nền giáo dục trong nước ngày càng tăng. Đó chính là nỗi lo thật sự.
Theo Thanh Niên